Hành trình 5 ngày đến Nam Phi của 2 đại sứ tê giác Asian School

Với bài luận tiếng Anh xuất sắc mang thông điệp kêu gọi bảo vệ tê giác, Trần Thy Uyên My và Đào Quang Nam Anh - học sinh Trường Quốc tế Á Châu (Asian School) đã giành chiến thắng tại cuộc thi “Wild Rhino Competition”, trở thành những đại sứ tê giác toàn cầu của Tổ chức Wilderness Foundation Africa (WFA).

Và chuyến đi 5 ngày đến Nam Phi là phần thưởng mà tổ chức WFA dành cho những người chiến thắng. 

Được biết, Wild Rhino Competition là cuộc thi được phát động để tiếp tục di sản của chiến dịch Wild Rhino - Vietnam, Be My Hero kể từ năm 2014, nằm trong chương trình “Bảo vệ tê giác hoang dã” do tổ chức WFA thực hiện với mục tiêu kêu gọi bạn trẻ Việt Nam trở thành những siêu anh hùng và lên tiếng chống lại việc sử dụng sừng tê giác.

Trần Thy Uyên My: “Trưởng thành hơn sau chuyến đi”

Trước chuyến đi, mặc dù đã vô cùng hào hứng, lên mạng tìm hiểu rất nhiều thông tin về vùng đất Nam Phi mình sắp đặt chân đến nhưng cô học trò Trần Thy Uyên My không thể tránh khỏi những cảm xúc hồi hộp và lo lắng vì lần đầu tiên thực hiện chuyến đi xa mà không có bố mẹ bên cạnh.

Hành trình 5 ngày đến Nam Phi của 2 đại sứ tê giác Asian School
Trần Thy Uyên My (giữa) trong chuyến hành trình 5 ngày tại Nam Phi (Ảnh: WFA).

Đồng hành cùng với Uyên My trong chuyến đi là các giáo viên, học sinh Việt Nam và nước ngoài cùng các hướng dẫn viên của tổ chức WFA. Sau hơn nửa ngày ngồi máy bay và di chuyển bằng xe để đến nơi tập kết, khung cảnh thiên nhiên bao la, hùng vĩ hiện ra trước mắt khiến Uyên My choáng ngợp, chưa kể đến thời tiết khắc nghiệt cũng ảnh hưởng ít nhiều đến hành trình trải nghiệm của cô học trò cùng đoàn của mình.

Mang trên vai những vật dụng cần thiết hàng ngày, hành trình 5 ngày trải nghiệm khu rừng Nam Phi hoang dã của Uyên My bắt đầu với việc leo núi, lội suối, gom củi, nấu thức ăn cho đến thay phiên nhau trực đêm… và cuối cùng là quan sát cuộc sống của loài tê giác nơi hoang dã, tận mắt chứng kiến những hậu quả nặng nề từ nạn săn bắn, tiêu thụ sừng tê giác trái phép. Trải nghiệm này đã khiến Uyên My không thể nào quên và thôi thúc bản thân phải hành động để bảo vệ loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng này.

Uyên My chia sẻ: “Món quà ý nghĩa nhất mà em nhận được sau chuyến đi đó là sự trưởng thành, lòng gan dạ, học được những kỹ năng sinh tồn cần thiết, khám phá những kiến thức đầy mới mẻ về thế giới rộng lớn xung quanh. Em có thêm những người bạn mới, cả Việt Nam lẫn nước ngoài. Đến nay, dù hành trình đã kết thúc nhưng tình bạn giữa những “đại sứ” tê giác chúng em vẫn được duy trì và vun đắp”. 

Đào Quang Nam Anh: “Quyết tâm hành động bảo vệ tê giác”

Cũng như Uyên My, đây không chỉ là lần đầu tiên Đào Quang Nam Anh ra nước ngoài, mà còn là hành trình trải nghiệm cuộc sống nơi khu rừng hoang dã nên không tránh khỏi cảm giác hồi hộp, lo lắng. Những ngày ở Nam Phi, ngoài việc được ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ và cuộc sống tự nhiên của các loài động vật, Nam Anh được chứng kiến bức tranh thực tế về tình trạng đáng báo động của loài tê giác - xác chết của tê giác nằm rải rác khắp nơi. Thương xót và tức giận là những cảm xúc xen lẫn của Nam Anh lúc bấy giờ. Thương xót cho số phận của những con tê giác vô tội bao nhiêu, cậu học trò càng tức giận cho hành động độc ác của những người tham lam bấy nhiêu. Vì quan niệm sai lầm cho rằng sừng tê giác là thần dược, nhiều người đã bất chấp săn bắt và chặt đi những chiếc sừng thực chất chỉ có thành phần là keratin - chất cấu tạo nên tóc và móng tay của con người.

Hành trình 5 ngày đến Nam Phi của 2 đại sứ tê giác Asian School
Chuyến hành trình trải nghiệm đến Nam Phi giúp Nam Anh (giữa) thêm quyết tâm để thực hiện sứ mệnh bảo vệ tê giác.

Hành trình 5 ngày trải nghiệm tuy ngắn ngủi nhưng lại giúp cho cậu học sinh Asian School nhận ra rất nhiều bài học, đồng thời ý thức được bản thân cần phải hành động thật nhanh và mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ loài tê giác trước nguy cơ bị tuyệt chủng. “Kết thúc chuyến đi, cảnh tê giác mẹ và tê giác con đang cùng ăn cỏ là hình ảnh khiến em nhớ mãi. Hình ảnh ấy không chỉ đẹp và xúc động mà còn nói lên rằng tê giác cũng như con người, cũng có tình mẹ con, cũng cần được sống, được yêu thương... Điều này luôn khiến em trăn trở và càng quyết tâm bảo vệ loài tê giác đến cùng”, Nam Anh bồi hồi chia sẻ.  

Hành trình 5 ngày đến Nam Phi của 2 đại sứ tê giác Asian School
Tiếp tục phát huy vai trò đại sứ của mình, Uyên My và Nam Anh đã tuyên truyền thông điệp bảo vệ tê giác bằng những tấm poster sinh động tại các cơ sở của Trường Quốc tế Á Châu.

“Vietnam, Be My Hero” là một trong những hoạt động cộng đồng mang tính quốc tế được Trường Quốc tế Á Châu quan tâm đặc biệt trong những năm gần đây. Học sinh của trường luôn được khuyến khích và tạo điều kiện tham gia để thể hiện suy nghĩ, hành động và trách nhiệm của bản thân trước các vấn đề của xã hội thông qua những hành động thiết thực. Điều này giúp các em phát triển những giá trị đạo đức tốt đẹp bên cạnh nền tảng kiến thức, kỹ năng và trình độ tiếng Anh để trở thành những công dân toàn cầu thời hội nhập. 

Copyright © 2013 The Asian International School, All rights reserved